Quan hệ liên cá nhân trong giao tiếp


Liên quan đến việc giảng dạy văn hóa qua ngôn ngữ (ở đây cụ thể là tiếng Việt), tôi đã bàn đến mấy khía cạnh chính trong văn hóa giao tiếp: mức độ hoạt ngôn; các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ và mức độ nghi thức hóa.Bài này xin bàn tiếp về khía cạnh thứ tư: các quan hệ liên cá nhân (inter-personal relationships).
Trong cái gọi là các quan hệ liên cá nhân ấy, có bốn vấn đề chính: gần gũi hay khoảng cách (proximity versus distance), có tính đẳng cấp hay bình đẳng (hierarchy versus equality), coi trọng tính công cộng hoặc riêng tư; và cuối cùng, chủ trương đồng thuận hay xung đột (consensus versus conflict). Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến khía cạnh thứ nhất: sự gần gũi và khoảng cách.
Mức độ gần gũi hay khoảng cách trong giao tiếp bao gồm hai khía cạnh: một, về phương diện vật lý, ở nhiều nơi, gặp nhau, người ta thường ôm nhau và hôn má nhau (hoặc hai hoặc bốn cái, tùy nền văn hóa); hai, về phương diện tâm lý, nó được thể hiện rõ nhất là qua cách xưng hô (terms of address) với việc dùng hay không dùng danh xưng (title) và việc gọi tên hoặc gọi họ của người mình đang đối thoại. Hai khía cạnh này không phải lúc nào cũng song hành với nhau. Ví dụ, so với nhiều người Tây phương khác, người Úc thường giữ khoảng cách vật lý khi gặp gỡ (ít ôm và hôn má nhau), nhưng lại rất gần gũi nhau trong cách xưng hô (ngay cả giới lãnh đạo cao nhất nước cũng đề nghị người khác gọi mình bằng tên thay vì tên họ) (1).
Người Việt Nam, nói chung, thường thích sự gần gũi ở cả hai phương diện vật lý lẫn tâm lý. Về vật lý, họ thích vỗ vai, choàng vai hay bá cổ nhau (trừ với người khác phái); và về tâm lý, thích dùng những từ chỉ quan hệ thân tộc (anh./chị/em/chú/bác/cô...).
Liên quan đến cách xưng hô của người Việt, có một số đặc điểm đã được nhiều người phân tích: một, chúng ta không có hệ thống đại từ nhân xưng chuyên biệt (kiểu “I” để chỉ ngôi thứ nhất số ít; “we”, ngôi thứ nhất số nhiều; “you” cho ngôi thứ hai, cả số ít lẫn số nhiều; “he” hay “she” cho ngôi thứ ba số ít; và “they”, số nhiều); hai, thay vào đó, chúng ta sử dụng hệ thống danh từ chỉ thân tộc (hoặc thỉnh thoảng, chức vụ) để làm đại từ tạm thời; các đại từ tạm thời này thay đổi theo từng quan hệ, thậm chí, tình cảm của người phát ngôn.
Ví dụ, tương đương với chữ “I” trong tiếng Anh, ngoài chữ “tôi” (và tao, ta, tớ, mình) tương đối phổ biến nhưng chỉ được dùng với một số điều kiện nhất định, chúng ta còn có: anh, em, bác, chú, cô, dì, v.v... (tùy theo quan hệ với người nghe).
Tương đương với chữ “you”, chúng ta có: anh, chị, em, ba, mẹ, chú, bác, cô, dì, ông, bà, v.v... (tùy theo quan hệ với người nói).
Tương đương với chữ “he” hay ‘she”, để chỉ ngôi thứ ba số ít, chúng ta thường dùng từ chỉ thân tộc + nó (ba nó, mẹ nó, chị nó, anh nó); hoặc + ta/ấy (ông ta/ấy, bà ta/ấy, anh ta/ấy, chị ta/ấy, v.v...)
Từ góc độ văn hóa, cách xưng hô này có hai đặc điểm nổi bật:
Thứ nhất, nó biến xã hội thành một gia đình mở rộng, ở đó, ai cũng là bà con của nhau: người này là anh, người kia là chị, người nọ là bác hay là cô, v.v... Hai người hoàn toàn xa lạ với nhau, lần đầu tiên gặp nhau, gọi nhau là anh / em, hay chị / em, hay bác / cháu.... tự dưng có cảm giác thân thuộc ngay. Có thể nói, bằng cách xưng hô dựa trên quan hệ thân tộc như thế, người Việt coi trọng sự gần gũi trong sự giao tiếp, một sự gần gũi được hiện hình ngay trong ngôn ngữ.
Tuy nhiên, ngoài đặc điểm vừa nêu, cách xưng hô trong tiếng Việt còn có đặc điểm thứ hai, hạn chế bớt sự gần gũi và thân thuộc trong sự tương tác: nó nặng tính đẳng cấp, bao gồm ba khía cạnh chính: vai vế trong gia đình, tuổi tác và chức vụ trong xã hội. Hệ thống danh từ chỉ thân tộc tiếng Việt phân biệt nặng nề về phái tính và tuổi tác. Về phái tính: số lượng từ vựng chỉ phái nam - và bên nội - nhiều hơn phái nữ và bên ngoại. Ví dụ, với phái nam, chúng ta có “bác” và “chú”, nhưng với phái nữ, chúng ta chỉ có một từ “cô” chỉ cả chị lẫn em của bố/ba/cha; với bên nội, chúng ta phân biệt anh hay em của bố/ba/cha; nhưng với bên ngoại, anh hay em chỉ có một chữ: “cậu” (cho phái nam) và “dì” (cho phái nữ). Về vai vế và tuổi tác cùng cha mẹ, nhưng lớn hơn chúng ta, chúng ta phân biệt “anh” và “chị”, nhưng nhỏ hơn chúng ta thì chỉ có một từ: “em”; ở bậc ngang hàng với cha mẹ, chúng ta có “bác”, “chú”, “cô”, “cậu” và “dì”, nhưng dưới đó thì chỉ có “con” và ‘cháu” (bao gồm cả cháu ruột, grandchildren, lẫn cháu họ, niece hay nephew). Ngoài hệ thống danh từ chỉ thân tộc, người Việt Nam cũng dùng hệ thống danh từ chỉ chức danh hay chức vụ để xưng hô (thầy/cô/giáo sư/bác sĩ/tiến sĩ, v.v...): Bản thân các từ này đều có tính đẳng cấp.
Có thể nói, trong sự tương tác, qua cách xưng hô dựa trên quan hệ thân tộc và chức vụ cũng như chức danh, người Việt Nam vừa gần gũi lại vừa xa cách: xa cách ngay trong sự gần gũi. Điều này làm cho việc học cách xưng hô trong tiếng Việt trở thành một trong những khó khăn lớn nhất đối với người ngoại quốc cũng như đối với ngay cả trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Để quán triệt được cách xưng hô này, người ta cần phải có kiến thức liên văn hóa vững chắc.
***
Chú thích:
1.      Thói quen này đã có từ lâu, nhưng trở thành công khai và phổ biến nhất chủ yếu kể từ khi Kevin Rudd lên làm Thủ tướng vào năm 2007. Trong một cuộc họp báo, khi các phóng viên gọi “Thủ tướng”, Kevin Rudd vọt miệng nói ngay “Cứ gọi tôi là Kevin” – Just call me Kevin. Mới đây, cũng trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi thắng cử ở tiểu bang New South Wales, khi các phóng viên bắt đầu câu hỏi bằng danh xưng “Thủ hiến”, Thủ hiến Barry O’Farrell cũng nói ngay: “Tôi còn có tên. Cứ gọi tôi là Barry”.
__________________________________________________________
Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc 

Trích nguồn: VOA

Đăng nhận xét

1 Nhận xét